XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN TẠI VIỆT NAM: CẦN LÀM TỪ “GỐC”

XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN TẠI VIỆT NAM: CẦN LÀM TỪ “GỐC”

Trong thời gian qua việc xử lý chất thải rắn, nguy hại ở nước ta đã được quan tâm. Nhưng có một thực tế thấy rằng, việc xử lý vấn đề này dường như “muối bỏ bể” khi mà còn tồn tại rất nhiều những vấn đề cần xử lý tận… gốc

Xử lý kiểu…đầu voi đuôi chuột

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), hiện nay, tổng lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt tại Việt Nam ước tính khoảng 12,8 triệu tấn/năm, trong đó khu vực đô thị là 6,9 triệu tấn/năm (chiếm 54% ) lượng CTR, còn lại tập trung tại các huyện lỵ, thị xã, thị trấn. Dự báo tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị đến năm 2020 sẽ là khoảng 22 triệu tấn/ 1năm. Lượng CTR đô thị phát sinh chủ yếu tập trung ở 2 đô thị lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng, hiện nay, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc là 61.500 tấn/ngày (thành thị là 31.000 tấn/ngày, nông thôn 30.500 tấn/ngày. Có tới 85% đô thị từ thị xã trở lên sử dụng phương pháp chôn lấp chất thải không hợp vệ sinh. Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, khối lượng CTR trên địa bàn tăng trung bình 15%/năm. Lượng CTR đô thị phát sinh đã tới hơn 6.500 tấn/ngày. Ước tính, tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt ở các quận nội thành đạt khoảng 95%, các huyện ngoại thành chỉ đạt khoảng 65%. Lượng CTR công nghiệp được thu gom đạt khoảng 85-90% và chất thải nguy hại được thu gom mới chỉ đạt 60-70%. Các hoạt động nông nghiệp mỗi năm phát sinh khoảng 8.600 tấn các chất tồn dư thuốc bảo vệ thực vật độc hại và các loại bao bì, thùng chứa thuốc trừ sâu. Công nghệ xử lý chất thải công nghiệp nguy hại và y tế hiện nay chủ yếu là công nghệ đốt, hóa rắn, tái chế một phần và chôn lấp an toàn, và chỉ 10% lượng rác thải này được xử lý triệt để.


Công nghệ xử lý rác thải hiện có của cả nước phần lớn chưa thật sự hiện đại, sử dụng các công nghệ đa dụng cho nhiều loại chất thải nguy hại và thường ở quy mô nhỏ. Công nghệ xử lý không đồng bộ, một số chất thải chỉ áp dụng công nghệ tiền xử lý, xử lý sơ bộ bước đầu, chưa giải quyết triệt để. Bên cạnh đó các đơn vị hành nghề xử lý chất thải nguy hại hầu hết là những công ty công ích tại địa phương hoặc các đơn vị tư nhân nên quy mô đầu tư công nghệ không đồng đều dẫn đến việc cạnh tranh chưa thực sự công bằng. Các đơn vị này vì lợi nhuận… quên môi trường dẫn tới tình trạng cạnh tranh giành giật thị trường bằng mọi giá, điều này có thể dẫn đến việc xử lý không tuân thủ theo đúng giấy phép hành nghề quy định, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, một số đơn vị tiến hành xử lý chỉ mang tính chất đối phó. Đồng thời xuất hiện xu hướng chuyển mã bùn thải từ nguy hại thành không nguy hại của các chủ nguồn thải nhằm giảm nhẹ chi phí xử lý.

Đi tìm giải pháp xử lý…từ gốc
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến từng cho rằng môi trường bị ô nhiễm càng lâu thì việc khắc phục, xử lý càng khó khăn, tốn kém và hệ quả ảnh hưởng đến môi trường và con người càng lớn. Do đó, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải rắn đang là một vấn đề cấp bách cần sự chung tay của đông đảo các tầng lớp.
Theo ông Huỳnh Minh Nhựt, Chủ tịch Hội Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp miền Nam đề xuất, cần chuẩn hóa công nghệ xử lý chất thải nguy hại hiện nay nhằm nâng cao việc xử lý đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn môi trường Việt Nam, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị hành nghề quản lý chất thải nguy hại, đặc biệt là các đơn vị xử lý nhóm bùn thải.


Phía cơ quan quản lý xây dựng khung pháp lý từng bước quy định giá sàn xử lý các nhóm chất thải nguy hại nhằm đảm bảo buộc các đơn vị hành nghề phải xử lý triệt để lượng chất thải, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng. Công tác xã hội hóa, tư nhân hóa trong việc thu gom và xử lý chất thải rắn còn rất thấp, nguồn vốn đầu tư cho công tác quản lý hạn chế. Việc thực hiện nguyên tắc “người gây ra ô nhiễm phải trả tiền” chưa thực sự triệt để, công tác triển khai nghiên cứu, áp dụng công nghệ tái chế, tái sử dụng, xử lý thải bỏ chất thải rắn ở Việt Nam còn yếu kém chính vì vậy mà hiệu quả xử lý chưa cao.
Ước tính đến năm 2015, tổng lượng chất thải phát sinh lên đến 35 triệu tấn, một con số cần một hệ thống thu gom và xử lý lớn, triệt để nhằm bảo vệ môi trường sống của con người. Vì vậy, khi xử lý chất thải rắn nguy hại lẫn không nguy hại, cơ sở xử lý phải có đầy đủ các giải pháp kỹ thuật thay thế khi cần thiết để đối phó với những tình huống bất trắc có thể xảy ra, đặc biệt là đối với các khía cạnh môi trường liên quan đến khu xử lý rác. Trong đó ưu tiên đối với công nghệ tái chế, công nghệ xử lý được chọn phải đảm bảo tính thích hợp và cần lựa chọn công nghệ phù hợp cho từng vùng miền ở Việt Nam.