Tổng kinh phí để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam ước khoảng 30 tỷ USD.
TTXVN đưa tin ngày 2/7, tại Cần Thơ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, dưới sự hỗ trợ đỡ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), đã triển khai kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh Việt Nam.
Việt Nam triển khai chiến lược tăng trưởng xanh nhằm đóng góp vào sự phát triển bển vững của thế giới
Theo ông Bùi Quang Vũ, Vụ phó Vụ Khoa học-Giáo dục và Tài Nguyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ nay đến năm 2015, Bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo định hướng tăng trưởng xanh. Bộ tập trung lồng ghép chương trình hành động quốc gia tăng trưởng xanh với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Các bộ, ngành và các địa phương xây dựng kế hoạch hành động, lập danh mục chương trình, dự án thí điểm; ban hành hướng dẫn đầu tư xanh, vận hành quỹ hỗ trợ đầu tư xanh; ban hành khung hướng dẫn về kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh và đề xuất cơ chế huy động nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng xanh với sự tham gia của khu vực tư nhân.
Tổng kinh phí để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh ước khoảng 30 tỷ USD, hiện đã huy động được 7,52 triệu USD, trong đó Chính phủ Bỉ đóng góp 6,83 triệu USD, Chính phủ Việt Nam đóng góp 680.000 USD lập quỹ hỗ trợ tăng trưởng xanh.
Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, có 17 giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi chiến lược tăng trưởng xanh và quan trọng nhất là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng; giảm tiêu hao năng lượng trong sản xuất, vận tải, thương mại; từng bước thay đổi cơ cấu nhiên liệu trong sản xuất công nghiệp và giao thông như sử dụng nguồn năng lượng mới, sạch, tái tạo, ít phát thải khí nhà kính; giảm phát thải khí nhà kính thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững bằng cách chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng; tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, trồng rừng nâng tỷ lệ che phủ của rừng lên 45% (năm 2020).
Chiến lược cũng đề cập rõ đến giải pháp hạn chế dần các ngành kinh tế làm phát sinh chất thải lớn hoặc gây ô nhiễm, suy thoái môi trường song song với phát triển các ngành “sản xuất xanh” trên cơ sở kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải hiệu quả.
Ngoài ra, các công trình giao thông, năng lượng, thủy lợi được xây dựng mới phải thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, công trình điện phải giảm hệ số đàn hồi từ 2,0 hiện nay xuống còn 1,0 trong năm 2020.
Việc quy hoạch các đô thị mới phải đáp ứng các tiêu chuẩn đô thị xanh, đô thị sinh thái. Đối với các đô thị đã xây dựng trước đây phải cải tạo theo hướng xanh hóa cảnh quan.
3 nhiệm vụ
Báo Kinh tế & Đô thị cho biết trong thời gian qua, để đối phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), Việt Nam đã theo đuổi mô hình tăng trưởng thân thiện với môi trường, trong đó, năm 2012 ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, và gần đây nhất, năm 2014 ban hành Chương trình hành động Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020, với 66 hành động.
Theo đó, Chương trình hành động quốc gia về tăng trưởng xanh đề ra ba nhiệm vụ là giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Mục tiêu cụ thể của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh là từ nay đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8-10% (so năm 2010), giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP là 1-1,5% mỗi năm; giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 10-20% so với phương án phát triển bình thường; thực hiện chiến lược “công nghiệp hóa sạch” thông qua điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, phát triển “công nghiệp xanh,” “nông nghiệp xanh” thân thiện với môi trường nhằm mục đích đến năm 2020 giá trị sản phẩm công nghệ cao, công nghệ xanh trong GDP đạt 42-45%.
Nhằm thúc đẩy thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh tại Việt Nam, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong thời gian tới, Chính phủ cần đưa ra mục tiêu cụ thể, triển khai các biện pháp tạo sức ép cũng như khuyến khích, giám sát chặt quá trình thực hiện mục tiêu giảm cường độ tiêu hao năng lượng của các ngành năng lượng, giao thông vận tải, sắt thép, dệt sợi, giấy…
Bên cạnh đó, cần triển khai các chính sách, nhất là thuế và tín dụng để tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng đổi mới công nghệ, đa dạng hóa ngành nghề, phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao, tiêu hao NL thấp. Đặc biệt, cần xóa bỏ trợ cấp giá điện cho sản xuất công nghiệp, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành trong triển khai thực hiện chính sách tăng trưởng xanh.